1. Lương theo sản phẩm là gì?
“Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc. Nó bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”
Theo đó, có thể hiểu lương theo sản phẩm là hình thức trả lương mà các doanh nghiệp áp dụng để người lao động căn cứ vào số lượng, chất lượng sản phẩm để làm ra được sản phẩm và đơn giá sản phẩm được giao.
Doanh nghiệp muốn trả lương theo sản phẩm cần phải xây dựng được định mức khoán sản phẩm cho người lao động ở một khoảng thời gian nhất định và xác định đơn giá tiền lương trên một sản phẩm.
Như thế, người lao động sẽ nhận tiền lương dựa theo số sản phẩm mà chính họ làm ra trong một khoảng thời gian nhất định. Sản phẩm phải được tính hợp lệ dựa trên các quy định đã đưa ra trước đó. Dựa theo đó, nếu số lượng sản phẩm làm ra càng cao thì tiền lương cũng vì thế sẽ càng cao.
Hình thức tính lương theo sản phẩm này cũng được trả theo thời gian định kỳ: theo ngày, theo tháng hoặc năm. Tuy nhiên, đa số hiện nay sẽ được tính theo tháng.
2. Cách tính lương theo sản phẩm mà nhân sự cần biết
Bên cạnh hiểu về lương theo sản phẩm là gì, nhân sự tại các doanh nghiệp sẽ là người trực tiếp tiến hành tính lương nên việc nắm được công thức tính lương nói chung và lương theo sản phẩm nói riêng là việc làm rất cần thiết. Đối với mỗi loại tính lương sẽ có công thức riêng, cụ thể như sau:
a. Cách tính tiền lương theo sản phẩm trực tiếp cá nhân:
Tiền lương sản phẩm trực tiếp cá nhân được xác định như sau: LSP = ĐG x Q.
Trong đó: ĐG: đơn giá sản phẩm, Q: số sản phẩm mà người lao động làm được
Đơn giá sản phẩm được xác định: ĐG =( Lcb + PC )/ Msl hoặc: ĐG = ( Lcb + PC ) x Mtg
Với:
- Lcb: Lương cấp bậc của công việc (mức lương trả cho công việc đó)
- PC: Phụ cấp mang tính lương cho công việc đó
- Msl: Mức sản lượng
- Mtg: Mức thời gian
Cách tính lương theo sản phẩm này áp dụng đối với công nhân hoạt động tương đối độc lập, tạo ra những sản phẩm tương đối hoàn chỉnh và đòi hỏi có những mức lao động áp dụng cho từng cá nhân. Chẳng hạn như: may hoàn chỉnh túi xách, mũ nón,…
- Ưu điểm: Tạo ra sự khuyến khích cao đối với người lao động nhằm nâng cao năng suất, vì chế độ tiền lương này được trả theo kết quả lao động của bản thân họ.
- Nhược điểm: Công nhân ít quan tâm đến việc bảo vệ máy móc thiết bị, không chú ý đến tiết kiệm vật tư, nguyên vật liệu, và không quan tâm đến kết quả chung của tập thể .
b. Cách tính tiền lương theo sản phẩm tập thể:
Tính tiền lương theo sản phẩm chung của tập thể: LSPtt = ĐG x Q
Trong đó:
- ĐG: tiền lương trả cho tập thể lao động khi thực hiện một đơn vị sản phẩm
- Q: sản lượng chung của tập thể
Đơn giá tính LSP cho tập thể: ĐG = Tổng Lcb nhóm / Msl hoặc ĐG = Mtg x MLbq (MLbq: Mức lương bình quân của nhóm)
Cách tính LSP tập thể này thường được áp dụng với những công việc cần phải có một nhóm công nhân hoặc một nhóm người thực hiện mới có hiệu quả. Chẳng hạn như: bộ phận may tay áo, cổ áo, thân áo,… kết hợp để tạo thành chiếc áo hoàn chỉnh.
Với hình thức tính tiền lương này, thì tiền lương của mỗi người phụ thuộc vào kết quả hoạt động chung của nhóm và sức đóng góp của họ vào kết quả chung đó.
Tiền lương của mỗi công nhân được tính toán dựa vào các yếu tố sau đây:
- Lương cấp bậc mà công nhân đảm nhận
- Thời gian làm việc thực tế của từng công nhân.
c. Cách tính lương theo sản phẩm có thưởng:
Khi bạn áp dụng cách tính lương theo sản phẩm và có cả thưởng cho người lao động, sẽ tính dựa trên công thức như sau:
LSP thưởng = LSP + (mh/100 x Lsp)
Cụ thể:
- m: X số tiền thưởng của người lao động so với mức LSP cho 1% hoàn thành sản lượng
- h: Phần trăm chỉ số hoàn thành mức sản lượng sản phẩm
Khi doanh nghiệp muốn tính doanh thu sản phẩm cho người lao động và kèm theo cả tiền thưởng cho mỗi cá nhân thì sẽ áp dụng công thức này. Đây là một trong những cơ chế lương mà doanh nghiệp có thể áp dụng, nó sẽ thúc đẩy người lao động hoàn thành nhiều hơn mức sản lượng đã được đặt ra.
d. Cách tính lương khoán theo sản phẩm
Công thức tính lương khoán theo sản phẩm: LSP khoán = ĐGk x Qtt
Trong đó:
- DGk: số đơn giá khoán cho một sản phẩm hay công việc
- Qtt: số lượng sản phẩm được hoàn thành
Đây là hình thức tính lương áp dụng cho cả cá nhân và tập thể.
- Ưu điểm: Công việc được giao cho nhóm công nhân may, linh động làm việc
- Nhược điểm: Không áp dụng được với những công việc chi tiết giao cho từng bộ phận, dễ xảy ra tình trạng người làm ít người làm nhiều.
e. Cách tính lương lũy tiến cho doanh nghiệp
Khi tính tiền lương lũy tiến, doanh nghiệp có thể áp dụng công thức sau đây:
LSP = Đơn giá x Sản lượng + ĐGlt x (Sản lượng – Mức sản lượng)
Trong đó:
- ĐGlt: Mức đơn giá mà doanh nghiệp sẽ trả thêm cho người lao động nếu như sản phẩm hoàn thành của người này vượt quá mức quy định
Nếu như doanh nghiệp áp dụng cách tính này cho người lao động, mức tiền dành cho mỗi sản phẩm hoàn thành sẽ được tăng lũy tiến dựa trên mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
- Ưu điểm là cách tính này sẽ có tác động đến người lao động mạnh mẽ hơn. Người lao động sẽ muốn hoàn thành công việc vượt mức quy định.
- Nhược điểm là việc tính tiền lương như vậy rất có thể sẽ làm cho tiền lương trả cho người lao động tăng nhanh hơn cả năng suất của lao động. Vì thế mà cách tính lương này không được áp dụng nhiều ở trong các doanh nghiệp. Thường sẽ chỉ được áp dụng trong những khâu sản xuất quan trọng và đòi hỏi tính thời gian.
3. Các lưu ý khác liên quan đến tính tiền lương theo sản phẩm
Người lao động khi chọn hưởng lương theo sản phẩm vẫn sẽ được trả lương làm thêm theo giờ khi làm việc ngoài giờ. Đối với mỗi khung giờ, thời điểm sẽ có cách tính riêng: làm thêm ngày thường, ngày nghỉ, ngày lễ có hưởng lương.
- Tiền lương làm thêm giờ ngày thường: Tiền lương = Đơn giá tiền LSP ngày làm việc bình thường * mức ít nhất 150%.
- Tiền lương làm thêm giờ vào cuối tuần: Tiền lương = Đơn giá tiền LSP ngày làm việc bình thường * mức ít nhất 200%.
- Tiền lương làm thêm giờ ngày lễ có lương: Tiền lương = Đơn giá tiền LSP ngày làm việc bình thường * mức ít nhất 300%.
Theo điều 97 của Bộ luật Lao động 2019 có quy định rõ về kỳ hạn trả lương với người lao động. Cụ thể: Người lao động hưởng lương theo sản phẩm thì sẽ được trả lương theo thỏa thuận ban đầu của hai bên, nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng đó.
Doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều hình thức trả lương khác nhau như tiền mặt hoặc qua tài khoản cá nhân được mở tại các ngân hàng.
Lời kết
Chắc hẳn, với những thông tin nêu trên đã có thể giúp quý vị hiểu được lương theo sản phẩm là gì. Đây là hình thức khá phổ biến, được nhiều doanh nghiệp áp dụng hiện nay nên để đảm bảo quyền lợi của mình, hãy tìm hiểu để có thể tự tính được lương của mình nhé!
FTSHRM luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc quản lý nhân sự tính toán công lương nhanh chóng, chính xác.