0939673111

Nghỉ ngang có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

Trường hợp người lao động nghỉ ngang không báo trước đơn phương chấm dứt hợp đồng xảy ra khá nhiều. Nghỉ như vậy người lao động (NLĐ) mất khá nhiều quyền lợi liên quan. Vậy nghỉ ngang NLĐ có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

1. Khi nào người lao động nghỉ việc bị xem là nghỉ ngang?

Căn cứ theo nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 35, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng NLĐ phải thông báo trước cho người sử dụng lao động (NSDLĐ):
– Ít nhất 45 ngày nếu NLĐ đang làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn;
– Ít nhất 30 ngày nếu NLĐ đang làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 – 36 tháng;
– Ít nhất 03 ngày làm việc nếu NLĐ đang làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
– Đối với NLĐ đang làm trong một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước trước khi NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Trừ một số trường hợp người lao động được đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước (Tham khảo Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019).
Như vậy, NLĐ nghỉ ngang là trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định của pháp luật hay người lao động tự ý nghỉ việc mà không báo trước cho NSDLĐ hoặc báo trước không đúng thời hạn theo quy định.

2. Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ theo nội dung quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013, điều kiện để NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:
– NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp:
+ Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc trái pháp luật;
+ Đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
– NLĐ đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động
Hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định NLĐ phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo HĐLĐ/ hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn;
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp người lao động ký hợp đồng lao động theo mùa vụ/ một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 – dưới 12 tháng.
– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm 2013.
– NLĐ chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp người lao động đang:
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Ra nước ngoài định cư hoặc đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù;
+ Chết.

3. Các quy định, chế độ, trợ cấp khi người lao động nghỉ ngang

Nghỉ ngang có giấy quyết định nghỉ việc không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 45 Bộ luật lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của NSDLĐ: Khi chấm dứt hợp đồng thì NSDLĐ phải thông báo bằng văn bản quyết định thôi việc cho NLĐ về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật này (trừ một số trường hợp được quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 34 của Bộ luật lao động 2019).
Như vậy, nếu NLĐ nghỉ việc đúng quy định sẽ được công ty trả quyết quyết định nghỉ việc. Tuy nhiên trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật (nghỉ ngang) thì có được trả giấy quyết định nghỉ việc không? Điều này pháp luật không quy định, vì thế tùy thuộc vào quy chế của công ty mà người sử dụng lao động có thể trả hoặc không trả giấy quyết định nghỉ việc khi người lao động nghỉ ngang.

Nghỉ ngang có được chốt sổ bảo hiểm xã hội không?

Căn cứ theo nội dung quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 48 BLLĐ năm 2019, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với NLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động:
– Hoàn thành các thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cho người lao động cùng với bản chính giấy tờ khác nếu NSDLĐ đang giữ của người lao động;
– Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu sẽ do người sử dụng lao động trả.
Như vậy, NSDLĐ có trách nhiệm chốt sổ BHXH cho NLĐ và bàn giao các các giấy tờ liên quan đến quá trình tham gia BHXH của người lao động nếu NSDLĐ đang giữ.
Việc chốt sổ BHXH không phụ thuộc vào việc người lao động nghỉ việc đúng quy định hay không. Trong thực tế có nhiều trường hợp người sử dụng lao động cố tình không trả lại sổ BHXH cho NLĐ thì lúc này NSDLĐ đang làm sai quy định và NLĐ có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Công đoàn hoặc thanh tra lao động Sở lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) hoặc Phòng LĐ-TB&XH để cơ quan này giải quyết buộc người sử dụng lao động thực hiện chốt và trả lại sổ BHXH cho người lao động. Bên cạnh đó, người lao động cũng có thể trực tiếp khởi kiện người sử dụng lao động về việc giữ sổ, không chốt sổ, không trả sổ ra Tòa án quận/huyện nơi công ty đặt trụ sở.

Nghỉ ngang có được nhận trợ cấp thôi việc, mất việc làm không?

Căn cứ theo Điều 42, 43, BLLĐ 2019 quy định về các trường hợp được nhận trợ cấp thôi việc, mất việc làm:
– NSDLĐ có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động khi NLĐ mất việc do:
+ Thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
+ Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã
Có thể thấy, việc NLĐ nghỉ ngang không thuộc các trường hợp trên nên không được hưởng trợ cấp mất việc làm

Nghỉ ngang có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

Người lao động tự ý nghỉ việc không báo trước hoặc báo trước không đúng thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 (nghỉ ngang) thì được xem như là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Lao động 2019 sẽ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 nên không được nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp.

Nghỉ ngang có được cộng dồn và bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp không?

Người lao động nghỉ việc ngang sẽ không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định pháp luật. Vì thế, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được cộng dồn và bảo lưu cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi NLĐ đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Như vậy, người lao động nghỉ ngang thì sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng sẽ được cộng dồn và bảo lưu thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Nghỉ ngang có được lấy tiền bảo hiểm xã hội không?

Để lấy được tiền BHXH một lần NLĐ phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Khoản 1, Điều 8, Nghị định 115/2015/NĐ:
Người lao động mà có yêu cầu thì được lãnh tiền BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp:
– NLĐ đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn không đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
– NLĐ đã nghỉ việc 1 năm nhưng chưa đóng BHXH đủ 20 năm và không tiếp tục đóng BHXH;
– NLĐ ra nước ngoài để định cư;
– NLĐ đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân (CAND); người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; Hoặc hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu
Theo quy định trên, nếu NLĐ nghỉ ngang mà không thuộc các trường hợp nêu trên thì bắt buộc phải chờ sau một năm kể từ khi nghỉ việc và không tham gia BHXH tự nguyện.
Như vậy, người lao động nghỉ ngang vẫn lấy được tiền bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà NLĐ có thể lấy được tiền BHXH 1 lần ngay hoặc phải chờ sau 1 năm để được nhận.

KẾT LUẬN

NLĐ nghỉ ngang thường mất nhiều quyền lợi đó là điều không mong muốn. Nhưng một số trường hợp bất đắc dĩ NLĐ vẫn nghỉ không báo trước như vậy cũng cần nắm rõ được những quyền lợi mình nhận được và mình mất. Doanh nghiệp cũng cần có những cách quản lý thông tin nhanh chóng kịp thời, chính xác, để biết được hướng giải quyết có lợi. Trên đây là bài viết mà chúng tôi – Phần mềm quản lý nhân sự FTSHRM gửi đến mọi người, tham khảo nhiều bài viết về nhân sự TẠI ĐÂY.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *