Một vấn đề mà cả các tổ chức, doanh nghiệp lẫn người lao động đều hết sức quan tâm đó là chế độ hưu trí: tuổi nghỉ hưu, lương hưu, bảo hiểm xã hội của người lao động. Việc nắm vững, hiểu rõ và liên tục cập nhật những quy định liên quan đến vấn đề này sẽ quản trị doanh nghiệp hiệu quả đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Trong năm 2022, những quy định liên quan đến chế độ hưu trí: những chính sách BHXH, tuổi nghỉ hưu, lương hưu tiếp tục có sự điều chỉnh. Cụ thể như sau:
Về tuổi nghỉ hưu
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua bộ luật Lao động sửa đổi. Bộ luật bao gồm 17 chương, 220 điều và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Theo quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của lao động trong điều kiện lao động thông thường là 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó cứ mỗi năm lại tăng thêm 3 tháng với lao động năm và 4 tháng đối với lao động nữ.
Như vậy vào năm 2022, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động thông thường là đủ 60 tuổi 6 tháng đối với lao động nam và 55 tuổi 8 tháng đối với lao động nữ.
Cụ thể, về độ tuổi nghỉ hưu, Bộ Luật Lao động năm 2019 đã quy định:
- Người lao động đảm bảo điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu
- Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động năm vào năm 2028 và đủ 65 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
- Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ, sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, nặng nề, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Về lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội
Theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu và mức trợ cấp hàng tháng sẽ được tăng lên. Theo đó, mức tăng sẽ là 7,4% so với mức lương hưu, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội của tháng 12/2021.
Cũng theo nghị định này, từ ngày 1/1/2022, có 8 nhóm đối tượng sẽ được tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 12 năm 2021, gồm: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, quân nhân, công an… đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; công nhân cao su, người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bộ đội, công an tham gia kháng chiến chống Mỹ đã xuất ngũ về địa phương…
Bên cạnh đó, những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 được tăng thêm 200.000 đồng/tháng nếu mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống; người hưởng lương hưu được tăng lên thành 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định này là căn cứ để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Điều chỉnh cách tính lương hưu với lao động nam
Về cơ bản lương hưu năm 2022 vẫn được tính theo công thức:
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Tuy nhiên với lao động năm nghỉ hưu từ năm 2022 lại có sự điều chỉnh. Cụ thể tại khoản 2 điều 56 Luật BHXH 2014 quy định:
Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện tại điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm
- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm
Như vậy, theo quy định này thì từ năm 2022 trở đi, lao động nam phải đóng BHXH đủ 20 năm mới được mới được tính tỷ lệ hưởng thấp nhất là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH ( trong khi tỷ lệ ở lao động nữ chỉ là 15 năm đóng BHXH)
Để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% khi nghỉ hưu thì từ năm 2022, lao động nam phải có thời gian đóng BHXH từ đủ 35 năm trở lên.