0939673111

Những quy định về chế độ bảo hiểm thai sản năm 2021

Bảo hiểm thai sản là chế độ thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngoài chức năng đảm bảo thu nhập cho người lao động, chế độ thai sản còn góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, đảm bảo quyền được chăm sóc của trẻ em.

1. Đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm thai sản

Các đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc sẽ được hưởng chế độ thai sản gồm:

  • Lao động nữ mang thai;
  • Lao động nữ sinh con;
  • Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ mang thai hộ;
  • Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.
  • Lao động nữ thực hiện các biện pháp tránh thai như đặt vòng tránh thai, triệt sản.

Tuy nhiên, để được hưởng thai sản, các đối tượng này cần phải đảm bảo điều kiện:

  • Lao động nữ sinh con, nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, người mẹ mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải có thời gian đóng BHXH tối thiểu 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
  • Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà không đảm bảo sức khỏe, phải nghỉ việc dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì cần phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trước khi sinh.

2.Thời gian nghỉ chế độ bảo hiểm thai sản theo quy định

Quy định về thời gian nghỉ chế độ thai sản được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, thời gian nghỉ chế độ bảo hiểm như sau:

a) Thời gian nghỉ khám thai

  • Lao động nữ được nghỉ việc để khám thai 05 lần, mỗi lần được nghỉ 01 này.
  • Trường hợp người lao động ở xa cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý, có vấn đề về thai nhi thì mỗi lần khám thai được nghỉ 02 ngày.
  • Thời gian nghỉ tính theo ngày làm việc không kể ngày lễ, Tết, ngày nghỉ hàng tuần của đơn vị.

b) Thời gian nghỉ thai sản khi lao động bị sảy thai, nạo, hút thai, lưu hoặc phá thai bệnh lý

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong các trường hợp này tuân theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh và được quy định tối đa:

  • 10 ngày đối với trường hợp thai dưới 05 tuần tuổi.
  • 20 ngày đối với trường hợp thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi.
  • 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
  • 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi.

c) Thời gian hưởng chế độ khi sinh con

Đối với lao động nữ:

  • Thời gian nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con tối đa là 6 tháng, trong đó nghỉ trước sinh không quá 02 tháng.
  • Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên, cứ thêm mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Đối với lao động nam:

  • Trường hợp thông thường, lao động nam đóng BHXH được nghỉ 05 ngày khi có vợ sinh con.
  • Trường hợp vợ sinh con phẫu thuật, thời gian nghỉ là 07 ngày.
  • Trường hợp sinh đôi: Nghỉ 10 ngày.
  • Trường hợp sinh ba trở lên, cứ thêm mỗi con thì lao động nam được nghỉ thêm 03 ngày.
  • Nếu vợ sinh đôi và phải phẫu thuật, lao động nam được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hàng tuần

d) Thời gian nghỉ chế độ khi nhận nuôi con nuôi

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

e) Thời gian nghỉ hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai

Lao động nữ thực hiện các biện pháp tránh thai sẽ được nghỉ như sau:

  • 7 ngày đối với trường hợp đặt vòng tránh thai.
  • 15 ngày đối với trường hợp triệt sản.

3. Mức hưởng chế độ bảo hiểm thai sản

Trợ cấp một lần khi sinh con

Căn cứ theo Điều 38, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi sẽ được hưởng tiền thai sản:

Trợ cấp một lần khi sinh con = 2 lần mức lương cơ sở.

Tiền chế độ thai sản

Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

Mức hưởng hàng tháng = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp chưa đóng đủ 06 tháng thì mức hưởng được tính theo mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng.

Mức hưởng thai sản của nam giới

Trợ cấp một lần đối với lao động nam đóng BHXH và có vợ sinh con sẽ tính bằng 2 lần lương cơ sở.

Tiền thai sản của chồng sẽ được tính như sau:

Mức hưởng = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 x số ngày nghỉ.

4. Mang thai đôi được tính hưởng chế độ thai sản theo số con sinh ra

Trước đây, khoản 3 Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH chỉ chi trả tiền thai sản tính theo những con còn sống của lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh có thai bị chết hoặc chết lưu.

Tuy nhiên, với quy định mới tại Thông tư 06, người lao động trong trường hợp này sẽ được nhận thêm quyền lợi. Cụ thể Khoản 6 Điều 1 Thông tư này ghi nhận:

Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian hưởng, trợ cấp thai sản khi sinh con và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.

Theo đó, từ ngày 01/9/2021, lao động nữ khi mang thai đôi trở lên dù không may có con bị chết hoặc chết lưu thì vẫn sẽ nhận tiền trợ cấp tương ứng với số con mà mình sinh ra.

5. Mở rộng trường hợp hưởng trợ cấp 1 lần khi vợ sinh con của nam

Không chỉ lao động nữ được nhận thêm quyền lợi mà tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, lao động nam cũng được hưởng lợi từ quy định mới. Thông tư này đã bổ sung thêm trường hợp lao động nam được hưởng trợ cấp khi vợ sinh con đó là:

Trường hợp người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản này thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Quy định này giúp đảm bảo quyền lợi cho lao động nam ngay cả khi hai vợ chồng cùng tham gia BHXH bắt buộc nhưng vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Trong khi trước đó, lao động nam chỉ được hưởng trợ cấp một lần khi vợ không tham gia BHXH. 

Trên đây là một số thông tin tổng quan về chế độ bảo hiểm thai sản. Người lao động có thể tham khảo để nắm bắt được các thông tin, làm các thủ tục cần thiết khi đủ điều kiện hưởng chế độ. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng biết để sắp xếp nhân sự và quản lý một cách phù hợp đảm bảo chế độ. Hiện nay, phần mềm quản lý nhân sự FTSHRM đã giúp các doanh nghiệp thống kê quản lý chế độ thai sản nhanh chóng chính xác.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *